-

Tin tức - sự kiện

Hình thành tuyến du lịch trên sông Cu Đê

Sông Cu Đê (quận Liên Chiểu) được đánh giá rất có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa....

Hình thành tuyến du lịch trên sông Cu Đê

Thứ Hai, 22/03/2021, 08:18 [GMT+7]
.
.

Sông Cu Đê (quận Liên Chiểu) được đánh giá rất có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa nhờ lợi thế có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú. Các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đang nghiên cứu, khảo sát để hình thành các điểm trên tuyến Cu Đê - Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) phục vụ cho hoạt động du lịch của thành phố.

Sông Cu Đê đang được cơ quan chức năng khảo sát để phát triển du lịch trong thời gian đến. Ảnh: NHẬT HẠ
Sông Cu Đê đang được cơ quan chức năng khảo sát để phát triển du lịch trong thời gian đến. Ảnh: NHẬT HẠ

Tuyến sông Cu Đê được những người làm du lịch trên địa bàn thành phố đánh giá là một trong những tuyến sông đẹp gắn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Theo thông tin từ Sở Du lịch, tuyến sông Cu Đê - Trường Định có 4 vị trí được quy hoạch cảng, bến thủy nội địa tại các khu vực phía bắc cầu Nam Ô (X1); bến Hầm Vàng (X2); phía tây dự án Golden Hills mở rộng (phía tây cầu Trường Định) (X3); khu vực Khe Răm, xã Hòa Bắc (X4). Trong đó các bến đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1:500. Dự kiến quy mô đầu tư bến neo đậu tàu thuyền, đón trả khách kết hợp với các hoạt động thương mại dịch vụ.

Để phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch trên tuyến, UBND thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 các điểm du lịch dọc sông Cu Đê gồm khu bến tàu (dự kiến bố trí bến bãi, cầu tàu, quầy bán vé và đưa đón khách); khu đất Bến Hầm vàng (dự kiến đầu tư khu nhà hàng, quầy hàng lưu niệm, nông sản, tái hiện làng chài và không gian lễ hội); khu đất Miếu Bà và khu đất đình làng Thủy Tú (tôn tạo, chỉnh trang hiện trạng kết hợp công viên cây xanh phục vụ lễ hội). Hiện nay, UBND quận Liên Chiểu đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế, lập chủ trương đầu tư các điểm du lịch dọc sông Cu Đê theo chủ trương của UBND thành phố tại Quyết định số 4858/QĐ-UBND ngày 14-12-2020.

Nếu khớp nối tuyến sông Cu Đê với một số điểm dừng chân tại Hòa Bắc thì đây sẽ là sản phẩm rất tiềm năng. Trong ảnh: Một góc Yên Retreat tại Hòa Bắc. Ảnh: NHẬT HẠ.
Nếu khớp nối tuyến sông Cu Đê với một số điểm dừng chân tại Hòa Bắc thì đây sẽ là sản phẩm rất tiềm năng. TRONG ẢNH: Một góc Yên Retreat tại Hòa Bắc. Ảnh: NHẬT HẠ.

Ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Hàn Giang cho rằng, sông Cu Đê là một trong những tuyến sông còn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên, gắn nhiều với yếu tố văn hóa, lịch sử. Nếu khai thác du lịch kết hợp với các giá trị văn hóa, lịch sử sẽ tạo ra được sản phẩm mới cho người dân địa phương và du khách khám phá. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các tuyến trên dòng sông này cần quan tâm đến đội tàu du lịch vì phương tiện dùng để chuyên chở khách sẽ phải đậu sẵn ở sông Cu Đê, không thể đi từ cảng sông Hàn lên được. Phương tiện chở khách ở đây sẽ chỉ là ca-nô chở 10-20 khách. Vì vậy thành phố nên phục hồi các tàu, ca-nô nhỏ để phục vụ khách trên con sông này khi đưa vào khai thác…

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết, quận cũng rất quan tâm đến việc phát triển tiềm năng sông Cu Đê và đã đề xuất xây dựng 4 điểm dừng chân để phục vụ, khai thác khách đường thủy nội địa trong thời gian tới đây. Theo đó, tuyến đường thủy nội địa này sẽ xuất phát từ Liên Chiểu, khớp nối với xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) để hình thành tuyến, điểm dừng chân thuận lợi cho khách trải nghiệm đường sông, đồng thời lên bờ ghé thăm các điểm du lịch lịch thái xã Hòa Bắc. Quận cũng đề xuất thêm một số điểm dừng chân, mua sắm, ăn uống… để làm phong phú thêm hành trình trải nghiệm trên tuyến đường sông này nhằm phục vụ du khách.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ, tuyến du lịch đường sông này cần phát triển kết nối với huyện Hòa Vang vùng thượng nguồn sông Cu Đê. Khu vực Hòa Vang cũng có một số điểm dừng chân có thể khai thác tốt như: Miếu Bà, khu đất Đình làng Thủy Tú cùng một số bãi rau, vùng nuôi tôm, cá… Khi kết nối những vùng này thì việc di chuyển bằng đường sông từ Nam Ô lên không quá xa (khoảng 13-14km) sẽ tạo thành một tuyến du lịch rất tiềm năng. “Để làm được điều này, các địa phương phải đồng thời khởi động tuyến sản phẩm trên bờ gồm vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa bản địa, ẩm thực… và phát triển phương tiện đi lại chuyên chở khách. Tức là phải vận động người dân địa phương tham gia vào hoạt động này, kêu gọi đầu tư các sản phẩm trên bờ trước.

Ngoài ra, cũng có thể kết hợp một số sản phẩm có sẵn như Yên Retreat, Nguồn Village, khu vực cầu dây văng. Từ đây khách có thể đi qua thôn Lộc Mỹ, thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang)... Điều quan trọng nhất vẫn là phải kết nối được tuyến điểm để du khách có thể trải nghiệm nhiều hơn”, ông Đỗ Thanh Tân nhấn mạnh.

Được biết, mới đây Sở Du lịch thành phố đã chủ trì phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, các sở, ban, ngành và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đi khảo sát thực tế tuyến sông Cu Đê - Trường Định để đề xuất, triển khai hình thành các điểm đến trên tuyến tại khu vực Miếu Bà, Đình Thủy Tú, điểm dừng chân văn hóa lịch sử cây đa, bến đò... kết hợp du lịch sinh thái tại các điểm dọc sông Cu Đê. Đồng thời, khảo sát tuyến du lịch đi bộ (trekking) tại khu vực Hòa Bắc kết hợp văn hóa Cơ tu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch mới của khu vực này nhằm tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho du lịch địa phương.

NHẬT HẠ

HOTLINE: 0901138137
Công trình - Dự án
Tin tức - sự kiện